Thứ Ba, 31 tháng 5, 2011

Chuyện vặt gia đình

(Trịnh Xuân Hưng Blog): Không ít người trong chúng ta thường quan tâm đến vấn đề “đối ngoại” mà ít quan tâm đến vấn đề “đối nội”. Chúng ta thường có một suy nghĩ hết sức sai lầm rằng: Chỉ khi nào ra ngoài giao tế với xã hội chúng ta mới cần phải chăm chút đến vẻ đẹp bên ngoài, mới cần phải chăm lo, giữ gìn ý tứ từng cử chỉ, lời ăn, tiếng nói sao cho hòa nhã, lịch thiệp. Còn khi đã về nhà rồi thì mọi thứ coi như “vứt” tất cả, chúng ta trở lại sống với chính bản năng con người mình cho nó tự do, thoải mái. Bởi vì đó là thế giới của riêng ta.
Nếu như trong chúng ta những ai có suy nghĩ như vậy, chắc chắn đó là một sai lầm. Bởi chính những lúc như thế, những hành động, cử chỉ suồng sã của chúng ta đã vô tình ngấm vào trong tiềm thức để rồi đến một lúc nào đó cũng sẽ lại “vô tình” bật dậy thành ý thức và nó đã làm hại chúng ta.
Có thể vấn đề nhỏ nhặt này chúng ta phát hiện ra và cũng chưa thấy được tầm quan trọng của nó cho đến khi chúng ta đọc được bài viết “Chuyện vặt” của nhà thơ Trần Đăng Khoa.
Đây là bài viết rất hay với phong cách dí dỏm, hài hước nhưng cũng đầy tâm trạng khiến cho chúng ta phải suy nghĩ, suy nghĩ một cách nghiêm túc về chính bản thân mình.
Trân trọng giới thiệu bài viết này! 
-------------------------------------------------

CHUYỆN VẶT TRONG NHÀ
TRẦN ĐĂNG KHOA

Vâng, đúng thế!. Đây chỉ là chuyện vặt trong nhà. Vậy mà nhiều khi người ta làm khổ nhau cũng chỉ vì những chuyện vặt. Không ít cặp vợ chồng bỏ nhau cũng bắt đầu từ những cái rất đỗi vặt vãnh.

Không ít người cho rằng, chỉ khi yêu nhau, người ta mới phải cẩn trọng giữ gìn ý tứ. Còn khi đã lấy nhau rồi thì không cần khách khí nữa. Bởi vợ chồng làm gì còn có khoảng cách. Hai chúng ta tuy hai mà một!
Đó là một ý nghĩ sai lầm. Có lẽ cứ tưởng "hai là một", nên người ta chẳng cần cẩn trọng trước nhau. Tôi rất ngạc nhiên khi các chị em thường chỉ trang điểm khi ra đường hay đến cơ quan. Nghĩa là “các mợ” chỉ lo làm đẹp khi đến với những ông hàng xóm tốt bụng và vô trách nhiệm. Trong khi người mà “các mợ” cần trang điểm, cần làm cho mình thật lộng lẫy, thật hấp dẫn quyến rũ lại chính là đức ông chồng của mình, thì các mợ lại bỏ qua, chẳng thèm để ý. Phụ nữ ta dường như không có thói quen trang điểm ở trong nhà. Mà các đức ông chồng thì cũng chẳng hơn gì. Ra đường, sao họ lịch sự thế, tinh tế thế. Trông rõ ra là những người có học. Vậy mà khi về với vợ thì cái vẻ hào hoa phong nhã ấy họ để hết ở ngoài đường rồi. Người vợ chỉ còn thấy trước mặt mình một người đàn ông luộm thuộm, ăn nói cộc cằn, cục súc. Ngày nào cũng phải nhìn cái khuôn mặt tẻ ngắt như thế. Thật là một nỗi khủng khiếp! Ấy là chưa kể khi ngủ, cái miệng anh ta còn há hốc ra. Cứ như xác chết trôi. Trông mà phát khiếp. Thế là bao nhiêu dây thần kinh rung động tức khắc bị tê liệt. Vậy thì làm sao còn có đủ dũng khí để đắm đuối nhau. Chính vì vậy, rất nhiều cặp uyên ương chưa hết tuần trăng mật đã chán nhau rồi. Tình yêu của họ thực sự đã "chết" ngay sau hôn nhân.
Tôi có một anh bạn vong niên, một nghệ sĩ khá nổi tiếng. Nhắc đến anh, có lẽ chẳng mấy ai không biết. Chỉ có điều, hàng ngày, anh sống xuề xoà quá. Xuề xoà đến mức nhếch nhác. Lúc nào, người ta cũng thấy anh đeo cà-vạt. Quanh năm lủng liểng cà - vạt. Có khi mặc may-ô, anh cũng thắt cà-vạt. Cà-vạt giữ cho cái cổ anh luôn ấm. Anh rất sợ viêm họng. Khi ăn uống xong, anh có thể tận dụng kéo cà-vạt... lau miệng. Đối với anh, cà-vạt đã thành một chiếc khăn vạn năng.
Vậy mà rồi chẳng biết loạng quạng thế nào, giời lại ban cho anh bạn lôi thôi lếch thếch của tôi một cô vợ rất đẹp, kém anh đến mấy chục tuổi. Chị trắng trẻo, cao ráo và thon thả như người mẫu thời trang. Chị nói với chồng: “Anh còn trẻ lắm, chỉ hơn bố em có bảy tuổi thôi”. Trước khi đến với anh, nghe nói chị cũng đã có một mối tình không thành. Người đàn ông rất bảnh của chị đã bỏ chị vì "phải bả" một cô gái khác. Cũng do buồn, do quá thất vọng vì bọn trai trẻ không thể tin cậy được mà chị táp vào đời anh. Đám cưới hai người tổ chức rất chóng vánh. Cũng chẳng bày vẽ gì. Chỉ mấy gói kẹo với đĩa hạt bí. Giản đơn như đám cưới của những người "rổ rá cạp lại". Đến gần một tháng sau, ông bạn vong niên của tôi vẫn còn bàng hoàng vì tự dưng mình chẳng phải cố gắng gì, cũng không phải tốn nhiều công sức mà lại có được một người vợ đẹp như trong mộng. Chị cũng hết lòng yêu thương chăm sóc chồng.
Khi hai người vừa có với nhau đứa con thứ hai, thì người yêu cũ của chị đến thăm. Có lẽ đó là một vị khách rất đặc biệt. Bởi thế, vợ chồng chị đã mời tôi sang chơi, cùng tiếp khách. Lần đầu tiên, tôi thấy ông bạn vàng của mình ăn mặc rất lịch sự. Tóc chải mượt. Com-lê, cà-vạt tề chỉnh, người lại còn thoang thoảng mùi nước hoa đàn ông. Trông anh sang trọng như một chính khách. Bà vợ vốn đã đẹp, giờ lại càng lộng lẫy. Rõ ra là vẻ đẹp quý phái của một mệnh phụ phu nhân. Chị bê ra bốn cốc nước cam được chuẩn bị khá công phu. Những viên nước đá trong cốc dường như cũng đã được thửa sẵn ở một cửa hàng rất lịch sự nào đó, chứ đá trong tủ lạnh nhà anh chị thì tôi biết, mỗi viên xù xì một kích cỡ khác nhau. Chị đặt trước mặt mỗi người một cốc nước, rồi âu yếm nhìn chồng. Thực ra, trong thâm tâm, người đàn bà rất đẹp này cũng chỉ muốn đức ông chồng giúp mình làm mỗi một việc đơn giản, là "giải quyết khâu oai". Nghĩa là chị muốn tỏ cho người yêu cũ biết rằng: Đấy, ông phản bội tôi, ông ruồng bỏ tôi, nhưng tôi đâu có chết. Tôi còn kiếm được người chồng hơn chán vạn ông kia...
Dường như anh bạn vong niên của tôi cũng biết được tầm quan trọng của mình như thế. Bởi vậy mà anh rất niềm nở và hảo tâm với khách. Anh hào hứng nhường suất đá của mình cho khách. Rồi anh cứ xỉa hai ngón tay đen đúa của mình vào cốc nước, cặp vớt từng thỏi đá bỏ sang cốc của khách. Hàng ngày, sống với vợ, anh vẫn có tác phong xuề xoà như thế. Trước đây, chị đã thấy khó chịu. Còn bây giờ thì chị rùng mình.
Ông khách chỉ tủm tỉm cười, khiến chị đỏ bừng mặt. Thế là bao nhiêu cố gắng của ông bạn tôi đã đổ hết cả xuống sông xuống bể. Có thể trách anh được không? Anh là một người tốt. Có tốt mới nhường hết đá của mình cho vị khách rất đặc biệt của vợ chứ.
Sự việc chỉ có thế, mà rồi sau đó gia đình họ lục đục. Hai người đã ly thân, rồi sau lại ra toà. Mới hay vợ chồng "hai chúng ta" đâu có phải là một. Ông bạn tôi cứ xuề xoà tưởng "hai người là một" mà rồi một lại thành ra hai, rồi chẳng biết hai sẽ thành ra mấy nữa. Sự tan vỡ gia đình đôi khi lại bắt đầu từ những chuyện rất đỗi vặt vãnh như thế, ở ngay trong những căn nhà vốn rất ấm cúng, tưởng như chẳng bao giờ có giông bão, gió mưa...

2 nhận xét:

  1. Em đã đọc bài viết của Anh roi!

    Trả lờiXóa
  2. Câu chuyện này thật ý nghĩa quá ha!Chuyện vặt vậy mà người ta cứ làm khổ nhau hoài vậy? Phụ nữ là vậy đó mong các Ông chồng hãy hiểu cho phụ nữ chúng tôi!

    Trả lờiXóa