Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2011

Tết Đoan Ngọ


Chợ Tết Đoan ngọ
 Ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm là này tết Đoan ngọ hay còn gọi là ngày giết sâu bọ. Vậy ý nghĩa của ngày tết này là gì? Và tại sao lại có ngày tết này?
Không biết ở nơi khác có quan niệm như thế nào chứ ở quê tôi, mẹ tôi thường kể lại rằng: Ngày ấy, đã tự lâu lắm rồi, giặc phương bắc tràn sang cướp bóc, giết hại nhân dân ta, chúng thực thi chính sách “đồng hóa” giết hết đàn ông con trai, hãm hiễp đàn bà con gái, tội ác chất chồng. Một lần, nhân dân ta vùng lên khởi nghĩa, tiêu diệt được tên thái thú tàn ác – là viên quan xâm lược đứng đầu bộ máy cai trị nước ta – đúng vào ngày 5 tháng 5 âm lịch.

Thua trận. Triều đình phương bắc liền sai quân đi đánh trả thù. Do thế và lực của chúng ta hoàn toàn thua kém chúng nên một lần nữa chúng ta lại phải chịu nỗi nhục mất nước, nỗi nhục làm nô lệ cho ngoại bang. Viên quan cai trị mới bắt nhân dân ta ngày 5 tháng 5 âm lịch hàng năm phải làm “giỗ” cho viên quan tiền nhiệm. Đây là một chính sách vô cùng thâm độc của kẻ thù nhằm triệt tiêu tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước và nguồn cội của dân tộc ta. Để tồn tại được, cha ông ta đã phải nín nhịn phục tùng.
Nhưng lòng yêu nước và tinh thần tự tôn dân tộc không cho phép chúng ta phải thờ cúng kẻ đã gieo rắc thảm họa cho dân tộc mình, vì thế ông cha ta bèn phản kháng lại bằng cách cứ đến ngày này hàng năm mọi gia đình đều chặt một cây dứa dại (có nhiều gai) treo ở trước cổng, đóng cửa nhà lại không cho ma tà, quỷ quái vào nhà. Các đồ ăn trong nhà bị làm cho xấu đi bằng cách trộn tro bếp vào (như bánh tro ngày nay), cơm hẩm ủ lên men thành cái rượu … mọi người trong nhà sáng sớm phải ăn những thứ quả chua, cay như quả mận, quả móc thép, quả khế … người lớn cấm trẻ con trong nhà không được ngồi ở cậu cửa (bậc thềm) để tránh bị mọc mụn ở đít. Trong buổi sáng bắt buộc mọi người phải nhảy xuống ao tắm cho không bị rôm, xảy. Ban ngày, mọi người  không ăn gì ngoài những thứ hoa quả chua cay kể trên, mãi đến tối lặn mặt trời mới mang những thứ đồ ăn đã bị làm xấu, làm bẩn khi sáng cúng ở ngoài đầu hè (hiên nhà) ra ăn.
Ông cha ta coi quân xâm lược, kẻ cướp nước là loài sâu bọ, cần phải diệt trừ mọi lúc, mọi nơi. Khi mạnh, chúng ta chống lại chúng bằng gươm giáo trận mạc. Khi yếu, chúng ta chống lại chúng bằng tinh thần tự tôn, ý chí quật cường của dân tộc, không bao giờ chấp nhận chúng dù chỉ là trong tiềm thức. Để truyền lại tinh thần đó, ý chí đó cho con cháu mai sau trong dân gian có câu hát rằng:
Bao giờ mà có hai xuân
Hai tết Đoan ngọ thì dân mới bình.
Hàng năm, cứ đến ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch là tôi lại cùng với mẹ làm bánh tro, ủ cơm rượu, ra vườn hái mận hái khế về ăn, không ngồi ở cậu cửa và nhảy xuống ao tắm vào buổi sáng… đó là những ngày còn ở quê. Bây giờ giữa phố phường đô thị, những thứ đó chỉ biết đi mua. Nhưng dù đi mua hay tự tay mình làm thì tôi vẫn nhớ mãi không quên sự tích tết Đoan ngọ mà mẹ tôi đã kể.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét